Chặt phá rừng bất hợp pháp là một trong những mối đe doạ với đa dạng sinh học. Ảnh: Bilderbeste
Thực tế, đa dạng sinh học đang đối mặt với nguy cơ cao trên toàn thế giới khi chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng trong vài thập kỷ qua và sự mong manh của nó đang đe dọa sự thịnh vượng và sự sống còn của nhân loại, trong đó, Đông Nam Á “có thể đang hứng chịu mức đe dọa sinh học nghiêm trọng nhất”, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecosphere cho hay.
Mối đe doạ ngày càng tăng
Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), đã có sự suy giảm 60% về quy mô dân số loài chỉ trong 44 năm từ 1970 đến 2014 , và việc bảo vệ các loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng càng đặc biệt quan trọng ở ASEAN - một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới.
Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN ước tính rằng có hơn 17.000 loài thực vật và động vật ở Đông Nam Á, rừng và vùng biển, và khu vực này chiếm 18% diện tích đa dạng sinh học của thế giới dù chỉ chiếm 5% diện tích đất liền. Không chỉ có hàng ngàn loài hiện đang bị đe dọa, hầu hết các loài động thực vật trên cạn và trên biển cũng chứng kiến sự suy giảm số lượng đáng kể trong 150 năm qua.
Mới tuần trước, các quan chức của Malaysia tuyên bố rằng nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng tê giác Sumatra đang tuyệt chủng trong tự nhiên. Trong khi đó tại Thái Lan, dân số rùa da hiện chỉ còn chưa đến 1% so với tổng số của 60 năm trước và loài rùa quý hiếm này không hề có tổ mới nào ở đây kể từ năm 2013.
Các chuyên gia cho rằng, chính hoạt động của con người, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và mất môi trường sống do phá rừng cũng như các hình thức khác là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất đa dạng sinh học ở ASEAN.
Cần ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ
Có thể nói, người dân đang thiếu nhận thức nghiêm trọng về việc bảo vệ các loài động thực vật trên Trái đất. Ngoài việc là một nguồn thực phẩm và nguyên liệu thô, chúng còn cung cấp các nguồn dược liệu và năng lượng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu và góp phần xây dựng văn hóa ở các nước trong nhiều năm qua.
Bàn về vấn đề này, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc của WWF Quốc tế nhấn mạnh rằng, không thể có một tương lai khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng cho những người sinh sống trên một hành tinh có khí hậu bất ổn, đại dương cạn kiệt, đất đai bị suy thoái và những khu rừng trống trải…tất cả sẽ đe doạ sự đa dạng sinh học, và đe doạ cuộc sống của nhân loại.
Theo GS. Alice Hughes thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc về cảnh quan sinh thái học và bảo tồn, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để từ đó đưa ra các ưu tiên bảo tồn phù hợp, thực thi và giám sát tốt hơn các quy định nhằm bảo vệ môi trường sống và ngăn chặn săn bắn các loài bị đe dọa. “Nếu không lập tức ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ đe dọa, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự tuyệt chủng của một số lượng lớn các loài trong những thập kỷ tới”, ông cảnh báo.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The ASEAN Post & UN)