Thứ Sáu, 18/08/2017 06:15

Phòng bệnh từ gốc

Khảm lá sắn, một loại dịch bệnh đã diễn ra trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế làm trên 1.000 ha sắn nhiễm bệnh.

Sớm tiêu hủy các diện tích sắn nhiễm bệnhKhẩn cấp triển khai phòng bệnh khảm lá sắn340,3ha sắn bị bệnh khảm lá

Cán bộ kỹ thuật phát tờ rơi, tuyên truyền cho nông dân Hương Trà hiểu đúng về bản chất của bệnh khảm lá sắn

Loại bệnh này có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus. Nguồn cơn gây ra là do virus và lan truyền thông qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci).

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm.

Tại Việt Nam, sắn hầu như được trồng khắp cả nước bởi đây là loại cây dễ trồng, ít vốn đầu tư, phù hợp với điều kiện sinh thái nhiều vùng, đặc biệt, cây trồng này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế nông hộ, vừa là cây lương thực vừa là cây công nghiệp. Nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về các sản phẩm chế biến từ sắn ngày càng tăng.

Toàn quốc hiện có trên 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất hơn 4 triệu tấn củ tươi/năm, chưa kể những cơ sở chế biến thủ công. Sản phẩm tinh bột sắn do các nhà máy chế biến được xuất khẩu đến 70%.

Ở Thừa Thiên Huế, sắn là loại cây trồng quen thuộc của nông dân. Thời còn khó khăn, đây cây lương thực chính của người dân ở nông thôn, làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi sắn được sản xuất mang tính hàng hóa, loại lương thực này phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Và tỉnh cũng quy hoạch phát triển cây sắn trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong kế hoạch chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả ở vùng núi, bãi ngang ven biển đến năm 2020, bên cạnh các loại cây trồng khác, sắn công nghiệp sẽ được trồng từ 6.500-7.000 ha. Sự ra đời của Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Thừa Thiên Huế tạo điều kiện khai thác tiềm năng về đất đai, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân từ trồng sắn.

Vụ trồng sắn năm nay, dù mới xuống vụ nhưng nhiều người trồng sắn các địa phương đang phải nhổ bỏ số diện tích sắn nhiễm bệnh để tránh lây lan. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do nông dân sử dụng hom giống không đảm bảo, nhiễm bệnh, khiến bệnh phát tán, lây lan. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khó phòng trừ.

Thực tế trên cho thấy lỗ hổng về giống của hệ thống dịch vụ, trong khi giống là yếu tố then chốt, bên cạnh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các dịch vụ khuyến nông... Nếu hệ thống dịch vụ đầu vào được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh, hom sắn hầu như được nông dân lấy tại chỗ và việc kiểm nghiệm chất lượng, dịch bệnh dường như bị bỏ ngỏ. Kiến thức của người dân hạn chế cũng là nguyên nhân khiến bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh. Trong khi đó, nông dân còn chần chừ, tiếc khi phải nhổ bỏ số sắn nhiễm bệnh do chưa hiểu đúng bản chất bệnh, dẫn đến việc ngăn chặn lây lan chậm trễ.

Khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Trà tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân nhận dạng triệu chứng, biện pháp phòng trừ. UBND huyện Phong Điền cũngchủ động trích nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ, tiêu hủy sắn nhiễm bệnh khảm lá. Song, ngay từ lúc này, khi mà thời tiết đang diễn biến theo hướng bất lợi cho nông dân, dịch bệnh trên cây trồng nói chung sẽ còn xảy ra nên các cơ quan liên quan cần giúp nông dân ý thức được việc phòng bệnh từ gốc và đầu tiên là khâu chọn giống.

Ngay lúc này, các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, cách tiêu hủy cây sắn bị bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân phải sử dụng hom giống sạch bệnh để trồng, không được chủ quan trong công tác phòng bệnh, tránh nguy cơ trở thành “đại dịch” trên loại cây trồng này.

Bài, ảnh: Lê Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn
“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn

Một đề tài nghiên cứu KH&CN từ ngân sách tỉnh giao nhóm chuyên gia Trường ĐHNL Huế nhằm quản lý bệnh hại tổng hợp, hạn chế gây hại của khảm lá sắn.

Dịch cúm mùa có diễn biến bất thường sau COVID-19
Dịch cúm mùa có diễn biến bất thường sau COVID-19

Khi các hoạt động trở lại bình thường sau đợt dịch COVID-19, dịch cúm có cơ hội lây lan mạnh; nhất là đang ở thời điểm giao mùa, là môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh.