Thứ Tư, 23/08/2017 08:10

Những không gian văn hóa tư gia

Bên cạnh các hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày nghệ thuật, ở Huế còn có những ngôi tư gia đã góp phần tạo nên không gian văn hóa, nơi thường xuyên diễn ra những cuộc đàm đạo, chia sẻ với nhau về văn hóa – nghệ thuật… Những không gian ấy đã tạo nên nét riêng trong dòng chảy của những con người luôn nặng tình với việc gìn giữ, phát huy những giá trị của Huế.

Di sản văn hóa Huế sẽ có mặt tại không gian văn hóa chung Busan - Hàn QuốcĐộc đáo phiên chợ vùng cao A LướiTìm sự khác lạ

Không gian nghệ thuật ở Bến Xuân bao giờ cũng đông đúc người đến tham dự

Ngôi nhà vườn truyền thống xứ Huế nằm ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên, bên dòng Hương thơ mộng lâu nay trở thành một điểm đến vô cùng thú vị. Người ta gặp gỡ nhau để bàn luận về một vấn đề nào đó trong dòng chảy văn hóa Huế, hay là những cuộc triển lãm, trưng bày của chủ nhân ngôi nhà vườn – GS. Thái Kim Lan mỗi khi từ Đức trở về tổ chức.

Những cuộc trò chuyện cứ thế râm ran. Tiếng nói cười, vui đùa của chủ và khách văng vẳng đã làm sống lại một ngôi nhà đã tưởng chừng thành phế tích. Tại không gian này, nhiều lần vị gia chủ đã cho công chúng đắm mình với những cổ vật, bộ áo dài xưa vô cùng giá trị của mình sau nhiều năm cất công sưu tầm.

Trong một lần trưng bày bộ sưu tập về các bộ y phục nam giới dưới thời hai vị vua Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại, được trưng bày ở ngôi nhà vườn cũng tạo nên sự mới lạ trong cách tổ chức, và được người xem đón nhận. Hay những bộ sưu tập đồ gốm do những thợ lặn vớt ngay tại dưới dòng sông Hương, chảy qua phía trước ngôi nhà với những lớp trầm tích qua các thời kỳ lịch sử được trưng bày quanh gian nhà, luôn cuốn hút với những ai từng đặt chân vào.

Cách đó không xa, gần chùa Thiên Mụ có không gian Bến Xuân của đôi vợ chồng Việt kiều Thụy Sĩ hồi hương Trương Đình Ngộ và bà Camille Huyền cũng trở thành một điểm đến quen thuộc của văn nghệ sĩ, những người yêu sống xanh với những chương trình nghệ thuật kết hợp gây quỹ bảo vệ môi trường. Điểm đặc biệt ở không gian này đó chính là lối kiến trúc mang dấu ấn riêng, tuy được làm mới nhưng hài hòa với phong cảnh, di tích của Huế và dòng sông Hương thơ mộng.

Nhiều văn nhân, nghệ sĩ khi vào đây cứ ngỡ đang vào du ngoạn ở chốn “tiên cảnh” như ý chủ nhân muốn tạo ra sự khác biệt, để thỏa thích niềm đam mê ca hát của bản thân. Cứ thế, những đêm nhạc ở bên trong không gian này, giữa mảnh sân hình bán nguyệt bao giờ cũng thu hút nhiều người tham dự. Ông Trương Đình Ngộ nói rằng, không gian này ra đời để đáp ứng cho ước muốn của cá nhân, về thú chơi tao nhã từng tồn tại ở Huế. Để có những đêm nhạc như thế, đơn nhiên phải có nhiều người cùng hát ca, và thưởng lãm. Xa hơn, điều mà chủ nhân của không gian này tính đến đó là biến những đêm nhạc như thế trở thành một sản phẩm du lịch.

Cũng nằm cạnh sông, dù không bề thế nhưng không gian Art Gallery Sông Như cũng vừa là tư gia của họa sĩ Đặng Mậu Tựu nằm bên trong kiệt 7 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế cũng là điểm đến quen thuộc của giới hội họa. Khó để đếm hết có bao nhiêu cuộc triển lãm, trò chuyện về hội họa của giới họa sĩ trong và ngoài nước từng diễn ra ở chốn này.

Ấn tượng và nhớ nhất với nhiều người, bởi cứ mỗi khi tết đến xuân về, họa sĩ và bạn bè mình tự bày ra sân chơi “năm nào vẽ con giáp đó” để mọi người có cớ gặp nhau, sau đó trưng bày cho những ai yêu hội họa, yêu thích con giáp thưởng lãm. Trải qua thời gian, khi nhắc đến Huế, giới văn nghệ sĩ không thể quên được không gian ấm cúng, thú vị và trở thành một điểm đến văn hóa, hòa cùng những sự kiện nghệ thuật của vùng đất Cố đô hơn chục năm qua.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nói rằng, ban đầu không gian này ra đời chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân. Thế rồi, trở thành một điểm đến, nơi giao lưu, chia sẻ hội họa, nghệ thuật từ khi nào không hay. “Tất cả bắt đầu từ niềm vui. Nhờ niềm vui ấy, mà không gian này như một địa chỉ quen thuộc của anh em bạn bè trong giới mỹ thuật”, ông Tựu chia sẻ.

GS. Thái Kim Lan tâm tình, rất vui khi không riêng gì bà, mà nhiều người khác đang duy trì được đời sống văn hóa giữa bề bộn cuộc sống hiện đại qua các không gian riêng. Đó cũng là lý do mà bà phục hồi lại ngôi nhà mà tổ tiên để lại, tưởng chừng như rơi vào phế tích.

“Tôi từng không muốn làm gì. Nhưng một lần, tôi nghĩ phải thay đổi tư tưởng của chính bản thân mình, rồi quyết định biến không gian ngôi nhà vườn của mình trở thành điểm đến văn hóa, bởi mỗi không gian nằm giữa lòng thành phố thơ mộng này là một phần của văn hóa Huế”, GS. Lan trải lòng. Lần lượt, những bộ sưu tập, những cuộc trò chuyện học thuật… được bà Lan tổ chức, thu hút rất nhiều người tham dự trong niềm vui bất ngờ, và sự thán phục bởi bắt gặp được một Huế xưa nhưng không cổ hủ, mà thay vào đó “một Huế xưa tiếp cận với hiện đại”.

Trước đó, ở Huế còn khá nhiều không gian tư gia khác vẫn đang “sống một đời sống mạnh mẽ trong dòng chảy của văn hóa Huế, xưa và nay” mà chúng ta không thể bỏ qua. Đó là không gian nhà vườn Ngọc Sơn công chúa trên đường Nguyễn Chí Thanh của người chủ nhân am tường về Huế là nhà nghiên cứu Phan Thuận An luôn khiến các vị khách bị hấp lực bởi những kiến thức chuyên sâu về văn hóa Huế. Hay ngược vào nội thành, có không gian vườn Ý Thảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nổi tiếng với những bộ sưu tập đồ sứ, tranh gương… luôn gây cho khách sự tò mò bởi giá trị vô giá mà ít nơi nào có được. Quan trọng hơn, ở đó, với kiến thức uyên thâm, am tường về văn hóa Huế, chính những nhà nghiên cứu như Phan Thuận An, Nguyễn Xuân Hoa... đã làm cho không gian văn hóa tư gia thêm phần sống động.

Hy vọng rằng, những không gian ấy sẽ được tiếp nối, duy trì để có nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, những cuộc trò chuyện thú vị nhưng không bao giờ cũ, nơi mà mọi người có cơ hội hiểu thêm về văn hóa – nghệ thuật Huế…

Bài, ảnh: NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp
Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp

Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Xuân.

Hội Báo toàn quốc 2023  Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo
Hội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo" dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2023 có quy mô toàn quốc với nhiều đổi mới, sáng tạo tạo sức hấp dẫn cho công chúng.

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc

Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...