Thứ Sáu, 27/10/2017 13:30

Nợ bảo hiểm xã hội: Người lao động khốn đốn

Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hay cố tình chây ỳ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nhất là trong mùa dịch COVID-19.

Thu nợ bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp mang tính đồng bộNợ bảo hiểm xã hội, khó cũng kiên quyết đòi

Lao động đến đăng ký học nghề, làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp

Chị N.P. H. N. (TP. Huế) đang rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. Chồng chị là lao động tự do nên không có việc làm trong thời điểm này. Cả gia đình đổ dồn vào nguồn thu từ chị. Chị N. cho biết, có thâm niên 7 năm làm nhân viên tại khách sạn M. với tiền lương thoả thuận 5 triệu đồng/tháng. Khi không có việc làm, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phía bảo hiểm thông báo không đủ điều kiện, do chủ sử dụng lao động đang nợ tiền BHXH”. Khá nhiều lao động như chị N. ở công ty M. đành chấp nhận mất trắng khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vì công ty nợ BHXH kéo dài, không thể chốt sổ BHXH, cũng không tách đóng cho người lao động.

Tính đến tháng 3/2020, số tiền các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và BHTN trong toàn tỉnh gần 185 tỷ đồng. Riêng nợ BHXH gần 157 tỷ đồng, trong đó, có đến trên 77 tỷ đồng nợ kéo dài và gần 27 tỷ đồng nợ khó thu. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ số lao động này có nguy cơ mất “phao cứu sinh” nếu doanh nghiệp thiếu hợp tác.

Thực trạng gia tăng nợ BHXH một phần do dịch bệnh, nhưng cũng khá nhiều doanh nghiệp chiếm dụng vốn, chây ỳ đóng BHXH cho NLĐ, thậm chí, doanh nghiệp chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp. Hơn nữa, nhận thức của lao động về chính sách BHXH, BHYT cũng chưa đầy đủ nên còn có trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Có người hiểu biết về chính sách nhưng vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chị T. T. H, công nhân làm việc tại Công ty TNHH N. M, buồn rầu kể: “Tôi làm công nhân  tại Công ty N. M có hợp đồng lao động nên mỗi tháng đều trừ lương để đóng BHXH. Đến khi đau ốm, mất khả năng lao động yêu cầu cấp thẻ BHYT tôi mới phát hiện ra công ty không nộp đủ tiền BHXH. Sau này, đấu tranh mãi tôi mới được chốt và trả sổ BHXH, thế nhưng, lúc đó đã quá thời hạn đăng ký thất nghiệp nên tôi chỉ được bảo lưu và cộng dồn nếu sau này tiếp tục làm việc nơi khác. Thực tình tôi không còn cơ hội tìm việc làm vì sức khỏe yếu nên chịu thiệt thòi về quyền lợi.

Câu chuyện về doanh nghiệp nợ đóng BHXH bấy lâu nay dường như “vô phương cứu chữa”, chỉ đến khi quyết liệt thanh kiểm tra hoặc khởi kiện ra tòa thì doanh nghiệp mới chịu thanh toán nợ BHXH. Quý I/2020, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra 10 đơn vị và kiểm tra 12 đơn vị sử dụng lao động. Qua thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị truy thu BHXH, BHTN, BHYT đối với 4 người lao động đóng thiếu thời gian tham gia, với tổng số tiền 24,2 triệu đồng (chưa bao gồm lãi truy thu). Sau thanh tra, một số đơn vị đã chủ động nộp trên 2,7 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức đã nộp tiền phạt là 185 triệu đồng.

Trả lời về việc giải quyết trợ cấp cho người lao động trong đơn vị nợ đọng BHXH, ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, theo quy định, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị nợ đọng BHXH có trách nhiệm đóng đủ các khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động. Việc xác nhận sổ BHXH thực hiện trên nguyên tắc người lao động đóng BHXH tới thời điểm nào, xác nhận vào sổ BHXH tới thời điểm đó và trả sổ cho người lao động giữ để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi đơn vị đóng khoản tiền nợ BHXH, thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế quyền lợi của nhiều người lao động dường như trở về số 0 khi đơn vị nợ đọng BHXH cố tình chây ỳ, không tạo điều kiện cho họ. Có trường hợp người lao động khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, lại bị bệnh hiểm nghèo nhưng không thể về hưu do đơn vị không chịu chốt sổ BHXH. Nhiều người đành mua BHYT hộ gia đình để chữa bệnh.

Đóng BHTN nhằm bù đắp một phần thu nhập cho lao động khi bị mất việc làm. Tuy nhiên, rất nhiều người đang thiệt đơn, thiệt kép do những tác động khách quan và chủ quan mang lại. Do đó, người lao động cần tìm hiểu để nắm rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH để bảo đảm “phao cứu sinh” thực sự có ý nghĩa với người lao động.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo sức hút từ những việc nhỏ
Tạo sức hút từ những việc nhỏ

Gần gũi với người lao động (NLĐ), hiểu và giúp đỡ NLĐ kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm là cách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền tạo sức hút cho công đoàn.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.

Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập và phúc lợi... nhiều doanh nghiệp tạo niềm tin để công nhân lao động yên tâm gắn bó.

Thêm “cần câu” cho người lao động
Thêm “cần câu” cho người lao động

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động nghèo (Quỹ Trợ vốn) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhiều gia đình đoàn viên công đoàn đã có thêm cần câu, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.

Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động
Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động

Đầu năm, thị trường lao động sôi động trở lại. Tâm thế của người lao động đang bắt nhịp đà khắc phục hậu dịch bệnh và tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian qua.