Thứ Tư, 31/07/2019 06:37

Tết xưa trong tôi…

Bây giờ, có lẽ chẳng còn ai phải kỳ công, tất bật, tốn thời gian để chuẩn bị cho một cái tết như xưa. Tất cả đều sẵn có ngoài chợ hoặc trên mạng, loáng một vòng hoặc nhấc phone là mọi thứ đâu đã có đó. Nhưng hình như cũng vì thế mà tết “bớt vui”…

Bà tôi & tết xưaBánh măng của mạXuân trong kỷ niệmTrải nghiệm tết xưa qua “Hương xưa bánh Tết”

Chọn mai chơi tết (Ảnh chụp khi chưa có COVID-19)

Không biết người khác thì sao, chứ với đứa trẻ là tôi cách đây hơn năm chục năm không khí tết đã bắt đầu náo nức ngay từ giữa tháng 11 âm lịch, lúc mà trời đang còn sớm tinh sương, nội tôi vừa uống trà, vừa nhẩn nha tranh thủ trảy lá cây hoàng mai trồng cạnh cái bể cạn trước sân. Cây hoàng mai của nội nhỏ và thấp thôi, nhưng nghe ông bảo cũng đã ngót nghét hai chục tuổi. Trảy xong lá cây mai cũng là lúc ông xong mấy tuần trà sớm, thay áo quần và chuẩn bị công việc của một ngày mới.

Còn bà nội tôi, tuy xuất thân từ con nhà nông chính hiệu, nhưng tài nữ công gia chánh thì mấy bà con dâu như mẹ tôi đều phải nghiêng mình bái phục mà học hỏi. Tết với bà tôi có lẽ khởi đi bằng việc cắt tỉa cà rốt, đu đủ, củ cải…, thêm ít củ kiệu khô và ớt trái chín đỏ mang phơi, hoặc quạt than sấy nếu trời không có nắng. Đợi khi tất cả đã thật héo đi, bà cẩn thận xếp vào những chiếc thẩu thủy tinh trong vắt, dùng que tre nén xuống rồi rót nước mắm hoặc xì dầu đã pha chế vào. Đó là món dưa món bà chuẩn bị cho ba ngày tết. Món này được bà ưu tiên làm sớm vì đòi hỏi phải có thời gian phơi sấy, ngâm dầm, các lát dưa món mới có thể từ tươi chuyển sang héo, lại từ héo chuyển sang nở căng và thấm gia vị chứ không thể làm vội được.

Mọi thứ chuẩn bị cho tết bây giờ đều có thể tìm mua trong siêu thị, ngoài chợ... (Ảnh chụp khi chưa có COVID-19)

Khi các thẩu dưa món đã yên vị là bắt đầu đến các món mứt, bánh. Mứt gừng, mứt dừa, mứt me, mứt quất, mứt hạt sen, mứt cà rốt... Nguyên liệu đều được mua thô về để tự chế biến tại nhà. Tôi còn nhớ, như để làm mứt gừng, bà nội tôi phải ra chợ hoặc đứng chờ bên vệ đường trước nhà, nơi nhiều người vẫn gánh gừng tươi từ các nương rẫy miệt Tứ Tây, Ngũ Tây, Dương Xuân…về để chọn mua. Gừng mua xong mang vào rửa cho sạch bùn đất, rồi cạo, thái hoặc bào. Tiếp nữa là ngâm, rửa, rồi mang luộc, xả cho bớt cay và lát gừng được trắng. Xong đâu đấy thì vớt ra, dùng tay vắt nhẹ các lát gừng cho ráo nước trước khi cho vào một cái thau thiệt to, trộn đường kính vào và bắt đầu rim trên lò than liu riu. Cái mùi thơm của mứt gừng đang rim tỏa ra thơm ngát, ấm áp cả ngôi nhà. Cứ tẩn mẩn như thế lâu thật lâu, thau mứt mới dần dần rặt nước. Khi thấy nước đường trong thau bắt đầu chuyển khô, những hạt đường đã hình thành bám vào lát mứt, bà tôi nhắc nhanh xuống rồi lẹ tay gỡ khi mứt đang còn nóng hổi cho lát gừng được thẳng, đẹp. Thế nhưng vẫn chưa phải đã xong. Mứt làm xong còn phải được đem phơi, gặp tiết trời tháng 11, tháng chạp của Huế mưa nhiều khi cứ lâm thâm cả tháng không dứt, thế là phải quạt than, quây gót mà sấy. Bà tôi bảo, như thế để lát mứt thật khô, cho  những hạt đường nổi lên lấp lánh, lát mứt đẹp mà còn có thể để dành được lâu nữa.          

Mứt gừng đã công kỹ thế, mứt quất, mứt me, mứt khế, mứt hạt sen, bí đao, sắn dây… cũng tỉ mẩn không kém, mỗi loại đòi hỏi phải có những kỹ thuật, những “mực mẹo” khác nhau chứ không đơn giản bỏ đường vô ngâm, ngào là có thể thành mứt.

Chợ hoa ngày tết (Ảnh chụp khi chưa có COVID-19)

Xong mứt là đến bánh. Bánh in làm bằng bột đậu quyên, đậu xanh, bột nếp, hay bột bình tinh… Như với bột đậu quyên, để có giã bột làm bánh, nội tôi phải chọn loại đậu ngon, đem ngâm với nước sôi cho vỏ đậu mềm ra, rồi dùng tay bóp, bóc từng hạt. Công đoạn này đơn giản, nên tôi cũng “bị” lôi vào tham gia. Nói “bị” với tôi là nó hoàn toàn chuẩn xác. Ai đời, con nít thì đứa nào chẳng thích tung tăng bay nhảy, bây chừ đột nhiên bị lôi cổ vào, phát cho chiếc đòn, cứ thế ngồi bên chậu đậu mà bóc mải miết. Cái thau to tổ chảng, số đậu thì đến ngàn vạn hạt, bóc hoài bóc mãi thấy vẫn chưa xong, rất nản! Đậu bóc xong được rửa sạch rồi cho vào nồi ninh cho chín bở và dùng đũa đánh tuế ra, tuyệt đối không được để dính nồi cháy bột, nội bảo vì như thế sẽ làm hỏng cả giã bánh, xui xẻo và không được “tinh tấn” để dâng cúng đầu năm. Bột chín tuế rồi được lần lượt múc cho vào cái túi lọc to may bằng “vải tàu”, dội nước lạnh vào khuấy đảo để lọc cho thật trắng, sau đó vắt thật khô, bỏ vào thau, gia đường kính, thêm chút bột vani cho thơm rồi bắc thau lên lò than để giáo. Mùi bột đậu quyện vani thơm lừng cả xóm, nội cứ nhẫn nại ngồi bên thau bột, lửa than liu riu, tay cầm đôi đũa cả cứ nhẹ nhàng quấy đều cho đến khi ráo bột thì duống xuống, đổ vào một cái mâm đồng sạch đã được chuẩn bị sẵn, chờ nguội là dùng khuôn để in. In xong lại còn phải sấy cho bánh thật khô, lúc đó mới dùng giấy gương ngũ sắc để gói. Tôi đặc biệt khoái thứ bánh này, nên cứ ngong ngóng đến tết, đợi cúng xong để được ăn thỏa thích. Còn trong công đoạn chế biến thì đừng hòng, bởi cứ theo bà tôi dạy, chưa cúng mà ăn trước là “không nên”. Hên lắm có đôi cái bị vỡ trong quá trình sấy, gói tôi mới được cho “thọ lộc” sớm. Mà điều này, với tay nghề của nội tôi thì hạn hữu vô cùng tận.

Mỗi món bánh in bột đậu quyên mà nghe đã oải; đậu xanh, bình tinh, bột nếp… cũng rất nhiều công đoạn tỉ mẩn khác, nhưng tôi không hề thấy nội than phiền mà ngược lại, bao giờ cũng thấy bà làm với một dáng vẻ mê say đầy cung kính. Đặc biệt nhất là với món bánh thuẫn đổ bằng trứng và bột bình tinh thơm lừng, cắn một miếng nghe như tan ra trong miệng rồi thấm khắp châu thân. Món bánh này, chỉ một mình nội xoay vần trong bếp, cấm tiệt mọi sự vào ra và nhất là nhận xét khen chê trong quá trình bà đang đổ bánh. Món bánh này với nội tôi như một cách thử thời vận. Bánh chín vàng, bung nở thật đẹp là báo hiệu cho một năm mới nhiều niềm vui, ăn nên làm ra, còn không thì ngược lại. Đổ một giã bánh thành công là bà tôi cười mãn nguyện, xem như cái tết đã xong được hơn nửa phần. Bấy giờ, chỉ còn nồi bánh tét, còn cơm cộ, xôi chè cúng tất niên, lên nêu, giao thừa… trong tay bà tôi là điều hết sức đơn giản.

Bấy nhiêu công việc chuẩn bị cho một cái tết, thành ra phải ra tay từ tháng 11 cũng là phải. Rồi ba ngày tết khai niên, khách đến chơi nhà được mời thưởng thức lát mứt, cái bánh, khách ăn “ngậm mà nghe”, xuýt xoa khen ngon, khen đẹp, khen gia chủ và mấy đứa con dâu, con gái trong nhà thật tài giỏi khéo tay. Những lúc như thế, thấy mắt bà tôi như sáng lên, miệng cười tươi phô đôi hàm răng đen bóng rạng ngời, thỏa nguyện. Những chuyện ấy bây giờ như chuyện đời xưa, có lẽ chẳng còn ai, chẳng còn nhà nào phải kỳ công, tất bật, tốn thời gian để chuẩn bị cho một cái tết như vậy nữa. Tất cả hầu như đều sẵn có ngoài chợ, trong siêu thị và trên mạng, chỉ cần loáng một vòng hoặc nhấc phone là mọi thứ đâu đã có đó, soạn ra là cúng, soạn ra là dọn, khỏi cách rách và cũng khỏi nhức đầu động não. Nhưng, cũng chính vì thế mà không khí tết như cũng bớt vui, và “đờn bà con gái” bây chừ thấy cũng không có nhiều người giỏi làm bánh mứt, cơm cộ. Chợt bâng khuâng nhớ nội và nghe gợn chút gì đó hẫng hụt, tiêng tiếc trong lòng…

Bài, ảnh: Huy Khánh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...

Ký ức đồng chiêm
Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Một thuở giếng khơi
Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.