Thứ Ba, 04/06/2024 14:42

NHỮNG CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01/2024

Từ tháng 01/2024, một số chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, kinh tế - xã hội sẽ chính thức có hiệu lực

Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024. Với 12 chương, 121 Điều, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.

Theo đó, đối với người bệnh, Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người từ đủ 75 tuổi (trước đây từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng được ưu tiên khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người bị các bệnh như tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

Đối với người hành nghề y, Luật mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Ngoài ra, nâng cao kỹ năng của người hành nghề bằng cách thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề, từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, quy định mới bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành hàng năm. Kết quả tự đánh giá phải cập nhật lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chính sách Bảo hiểm xã hội, lương hưu

Từ 01/01/2024, điều kiện hưởng lương hưu năm 2024 của người lao động thay đổi do tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động tăng lên so với quy định về tuổi nghỉ hưu năm 2023.

Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), trong điều kiện lao động bình thường, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Đủ 61 tuổi đối với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. (2) Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021; Độ tuổi nghỉ hưu năm 2024 không thấp hơn 56 tuổi đối với nam và 51 tuổi 4 tháng đối với nữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (3) Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; Độ tuổi nghỉ hưu năm 2024 không thấp hơn 51 tuổi đối với nam và 46 tuổi 4 tháng đối với nữ. (4) Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao; (5) Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 56 tuổi 4 tháng.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện: Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; Độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam vào năm 2024 đủ 61 tuổi và độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đủ 56 tuổi 4 tháng.

Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Ngày 28/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau: Định kỳ hằng ngày, tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước. Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý Thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế; Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Nghị định số 82/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/01/2024.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua. Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối). Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên. Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.

Nghị định số 83/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2024.

Thực hiện: Dương Thu Phương
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng của Hà Nội
Du lịch, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng của Hà Nội

Thông tin từ buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê Thành phố cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của Thành phố.

Linh hoạt các giải pháp để kiểm soát đà tăng giá xăng dầu
Linh hoạt các giải pháp để kiểm soát đà tăng giá xăng dầu

Giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp và còn có thể tăng lên nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên. Ở kỳ điều hành giá ngày 01/6/2022, giá xăng đã tăng lên mức 30.235 đồng/lít đối với xăng E5RON92 và 31.578 đồng/lít đối với xăng RON95-III, mức cao nhất trong lịch sử.

VIỆT NAM LÀ NƠI TRÚ ẨN AN TOÀN TRƯỚC CƠN BÃO, TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI CÓ NHIỀU RỦI RO
VIỆT NAM LÀ NƠI TRÚ ẨN AN TOÀN TRƯỚC CƠN BÃO, TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI CÓ NHIỀU RỦI RO

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có thể nói, Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn trước cơn bão, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro như hiện nay…