Thứ Năm, 17/10/2019 11:45

Bảo tàng gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quan

Bảo tàng gốm cổ sông Hương toạ lạc ở số 120 đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế, hướng mặt ra dòng sông Hương thơ mộng sau một thời gian dài chuẩn bị đã chính thức khai trương, mở cửa đón du khách đến tham quan trong sáng 17/4.

Cơ hội cho bảo tàng tư nhânSẽ có một bảo tàng sông HươngKể câu chuyện về Huế thông qua gốm cổ

Không gian bên trong Bảo tàng gốm cổ sông Hương với hàng ngàn hiện vật vừa mở cửa đón du khách đến tham quan

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, đại diện các sở, ban, ngành, cùng đông đảo quan khách, du khách trong và ngoài nước đến chúc mừng, chia vui với chủ nhân bảo tàng - GS.TS Thái Kim Lan.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương với diện tích 700m2 được đặt ngay trong không gian Thái Tộc từ đường, một ngôi nhà vườn xưa cổ kính, tuyệt đẹp cách không xa chùa Thiên Mụ. Trong không gian lớn của bảo tàng có hơn 2.500 hiện vật khác liên quan đến sông Hương cũng được mở cửa đón người xem.

Đặc biệt, trong lần ra mắt đầu tiên này, không gian chính của bảo tàng trưng bày hơn 100 hiện vật gốm tiêu biểu với chủ đề “Sông Hương - nơi gặp gỡ các nền văn hoá” thuộc 3 thời: thời tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (cách ngày nay 3.000 năm - 2500 năm), thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu công nguyên), thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20).

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Anh Thư - cố vấn chuyên môn của Bảo tàng gốm cổ sông Hương cho biết, ở Việt Nam, các hiện vật gốm được phát hiện ở các dòng sông rất nhiều nhưng sau đó chúng bị phân tán đi khắp nơi và chưa có ai lập thành bảo tàng chuyên đề về gốm từ một vài dòng sông như ở đây. Người ta thường chỉ biết nhiều đến Huế giai đoạn từ sau thế kỷ 14 và nhất là triều Nguyễn nhưng lịch sử vùng đất Huế còn dài và xa hơn thế. Những hiện vật gốm cổ trong bảo tàng này sẽ giúp nhiều nhà nghiên cứu hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa sống trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cho biết, ngành văn hoá đang và sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ Bảo tàng gốm cổ sông Hương phát huy hết tiềm năng của mình cùng với việc khuyến khích quảng bá. Đặc biệt, thời gian tới bảo tàng sẽ ứng dụng công nghệ 3D và trải nghiệm thực tế ảo để giới thiệu rộng rãi hơn về những hiện vật tiêu biểu và có giá trị của bảo tàng trên web của bảo tàng nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thích cổ vật ở xa và chưa thể đến xem tận mắt có thể thưởng ngoạn chúng một cách trực quan qua trưng bày ảo. Việc ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày sẽ được bảo tàng đẩy mạnh trong thời gian tới, đồng thời cũng là điều kiện để mở rộng các chương trình giao lưu với các bảo tàng khác trong nước và trên thế giới.

Chủ nhân Bảo tàng gốm cổ sông Hương - GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ, không gian trưng bày của bảo tàng là nơi mà bà đã trải qua một tuổi thơ đầy kỷ niệm cùng với những người thân yêu trong dòng tộc. Sau mấy mươi năm sống ở trời Tây, bà trở về sống trong không gian này và thấy mình vẫn gắn bó và hạnh phúc với nơi đây như chưa bao giờ xa cách. “Tôi mong muốn những hiện vật gốm được vớt từ sông Hương mà tôi cùng anh trai mình - cố hoạ sĩ Thái Nguyên Bá, cũng như người bạn - nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan, đã sưu tầm sẽ ở lại trong khu vườn này, bên cạnh sông Hương, để tiếp tục sứ mệnh kể câu chuyện trường thiên mà chúng đang cất giữ cho đời nay và đời sau", bà Lan trải lòng.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế). Được biết đây là bảo tàng ngoài công lập thứ ba ở Thừa Thiên Huế và thứ 55 ở Việt Nam.

Những hình ảnh được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ chúc mừng chủ nhân Bảo tàng - GS. TS Thái Kim Lan

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Anh Thư (đầu tiên bên phải) - cố vấn chuyên môn của Bảo tàng gốm cổ sông Hương giới thiệu các hiện vật được trưng bày trong không gian bảo tàng

Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định chụp ảnh lại những hiện vật trong bảo tàng

Ngoài các hiện vật liên quan đến gốm sông Hương, bên trong không gian bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật khác tạo nên sự đa dạng, độc đáo

Một góc trưng bày ở hành lang thu hút nhiều người đến thưởng lãm

Bộ sưu tập của cố nhà sưu tập Hồ Tấn Phan được trưng bày trong không gian Bảo tàng gốm cổ sông Hương

Gốm cổ được bày biện trong chiếc ghe tạo sự thân quen, gần gũi với nhiều người

Bảo tàng gốm cổ sông Hương được đánh giá là bảo tàng có bộ sưu tập đồ sộ, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có

Lối dẫn vào bảo tàng, nhiều lu gốm được trưng bày hai bên rất đẹp mắt

Đông đảo quan khách đến chia vui, chúc mừng nhân ngày khai trương bảo tàng

Clip Bảo tàng gốm cổ sông Hương thu hút du khách tham quan trong ngày đầu mở cửa

NHẬT MINH (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa Châu  bảo tàng văn hóa Champa
Hóa Châu & bảo tàng văn hóa Champa

Lại một lần nữa, việc xây dựng một bảo tàng văn hóa Champa được đặt ra. Tại hội thảo “Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế” vừa được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức, PGS.TS. Đỗ Bang cho rằng, cần thiết nghiên cứu thành lập một bảo tàng văn hóa Champa đặt tại thành Hóa Châu.

Giáo dục thiếu giáo viên, bảo tàng chưa có không gian trưng bày
Giáo dục thiếu giáo viên, bảo tàng chưa có không gian trưng bày

Được đánh giá đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng lĩnh vực văn hóa xã hội năm 2022 vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn bất cập. Trong đó, tập trung vào những vấn đề như công tác tuyển sinh đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc ngành văn hóa và thể thao, bảo tàng chưa có không gian trưng bày, thiếu trang thiết bị dạy học và giáo viên, hệ thống trạm y tế xuống cấp…