Thứ Năm, 05/12/2019 07:59

Đào tạo âm nhạc di sản: Cần chiến lược thu hút người học

Hiện nay, việc đào tạo âm nhạc di sản tại Học viện Âm nhạc (HVÂN) Huế gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác tuyển sinh. Thực trạng này khiến những nhà chuyên môn lo lắng, sẽ thiếu vắng lực lượng kế thừa để bảo tồn âm nhạc di sản trong tương lai.

“Đào tạo âm nhạc di sản trong bối cảnh hiện nay”

Đào tạo là giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy âm nhạc di sản

Vắng người học

Từ năm 1996 đến nay, HVÂN Huế đã mở các chuyên ngành đào tạo âm nhạc di sản ở bậc trung cấp và đại học. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác đào tạo các chuyên ngành này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nguồn tuyển sinh đầu vào ngày càng giảm sút.

Theo thống kê, số lượng học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành âm nhạc di sản tại HVÂN Huế rất ít. Từ năm 2017 đến nay, số lượng tuyển sinh đầu vào của các chuyên ngành âm nhạc di sản sụt giảm đáng kể. Bậc đại học chỉ tuyển được 4 sinh viên chuyên ngành Nhã nhạc và 1 sinh viên chuyên ngành Đàn - ca Huế. Bậc trung cấp không tuyển sinh được. Hiện tại, chỉ có 4 sinh viên theo học chuyên ngành Nhã nhạc và Đàn - ca Huế. Số lượng sinh viên ra trường không có việc làm khá phổ biến.

Theo TS. Phan Thuận Thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Bảo tồn âm nhạc, HVÂN Huế, công tác tuyển sinh phụ thuộc lớn vào nhu cầu ngành nghề của xã hội. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các ngành nghệ thuật truyền thống, trong đó có âm nhạc di sản ít thu hút được sự quan tâm của công chúng. Điều đó dẫn đến việc sinh viên ra trường khó có việc làm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự khó khăn trong khâu tuyển sinh. Ở Huế, việc làm tại các cơ quan Nhà nước, các nhà hát cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc di sản rất ít, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Trong khi đó, nếu đi diễn show cho khách du lịch, nhiều người tìm đến học ở nghệ nhân để rút ngắn thời gian.

ThS. Trần Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Âm nhạc di sản - Truyền thống, HVÂN Huế cho rằng, dù đã có những cơ chế, chính sách để khuyến khích học âm nhạc truyền thống, như miễn, giảm 75% học phí. Song, mấu chốt của vấn đề chủ yếu lại ở “đầu ra”. Hiện nay, vẫn chưa có một cơ chế, chính sách vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính ràng buộc đối với các nhà quản lý và các đơn vị sử dụng nhân lực sau khi sinh viên ra trường.

Trong công tác tuyển sinh, cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị ở các địa phương nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực trong âm nhạc truyền thống và di sản. Từ đó, thống nhất về phương án tuyển sinh cho các đơn vị nhằm đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, cũng như tạo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Cần có chế độ đãi ngộ và “đầu ra” để thu hút

Điểm mạnh của HVÂN Huế trong đào tạo âm nhạc di sản hiện nay là có thể cấp bằng đại học, trong khi nhiều trường văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh chỉ cấp bằng trung cấp hay cao đẳng, nhạc viện ở hai đầu đất nước lại không đào tạo các chuyên ngành này. Để duy trì các chuyên ngành đào tạo này, học viện cần thăm dò, tìm hiểu kỹ về nhu cầu của xã hội, người học.

TS. Phan Thuận Thảo nói: “HVÂN Huế nên phát huy lợi thế về việc cấp bằng đại học các chuyên ngành âm nhạc di sản để mở thêm các khóa liên thông, liên kết ở các tỉnh trên toàn quốc. Học viện có thể

nghiên cứu nhu cầu bảo tồn âm nhạc di sản ở các tỉnh để xem xét khả năng mở các lớp đào tạo liên thông lên đại học. Nếu hướng này khả thi, học viện sẽ có nguồn tuyển sinh lớn trên phạm vi toàn quốc”.

Theo ThS. Nguyễn Thị Việt Thảo, giảng viên Khoa Âm nhạc di sản - Truyền thống, để khai thác lợi thế của các chuyên ngành âm nhạc di sản, phải tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh bằng những đề xuất cơ chế, chính sách cùng hành động quyết liệt, đồng bộ của các đơn vị trực thuộc học viện với một chiến lược dài hơi, kiên trì. Bên cạnh đó, cần có những điều chỉnh phù hợp về chuyên môn, đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; về chương trình, giáo trình; việc sử dụng và chính sách đối với nghệ nhân; chú trọng đến đào tạo đội ngũ giảng viên các chuyên ngành âm nhạc di sản.

“Học viện nên duy trì một cơ chế “mở”, kết hợp đào tạo với biểu diễn và trưng bày các giá trị vật thể, phi vật thể của các loại hình âm nhạc di sản theo kiểu “Bảo tàng Âm nhạc di sản miền Trung – Tây Nguyên” đặt tại HVÂN Huế để tạo thành một điểm nhấn về văn hóa và điểm đến tham quan, du lịch; kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế trong việc trình bày các trích đoạn múa nghi lễ theo thể chế Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá cho công tác tuyển sinh”, ThS. Nguyễn Thị Việt Thảo đề xuất.  

Hiện nay, các loại hình âm nhạc phương Tây đang được mở rộng và thu hút giới trẻ. Vì vậy, cần có những ưu tiên hơn nữa trong tuyển sinh chuyên ngành âm nhạc dân tộc nói chung và âm nhạc di sản nói riêng, sự đãi ngộ trong quá trình học tập và nhất là sau khi ra trường thì mới có thể hấp dẫn được giới trẻ.

Học viện cũng cần làm rõ những ưu thế của mình trong đào tạo, những quyền lợi mà người học được hưởng. Ngoài đam mê, khi người học thấy được lợi ích thiết thực thì mới có thể cân nhắc lựa chọn dự thi vào các chuyên ngành âm nhạc di sản.

“Nếu chúng ta không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn, định hướng cho nền âm nhạc truyền thống, chắc chắn trong một tương lai không xa, sẽ không có những lớp trẻ chung vai gách vác để bảo tồn, gìn giữ những giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống nói chung và âm nhạc di sản nói riêng”, ThS. Trần Hữu Quang trăn trở.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một Huế rất riêng qua góc nhìn văn chương
Có một Huế rất riêng qua góc nhìn văn chương

Chọn dòng sông, vùng biển hay đơn thuần một làng quê với những kỷ niệm riêng có…, các tác giả đã kể cho người đọc một góc nhìn về Huế rất riêng nhưng vô cùng gần gũi, mến thương. Ở đó, nét đẹp di sản, văn hóa và con người được khai thác một cách khéo léo với giọng văn mềm mại, dữ liệu thông tin thú vị, độc đáo, làm lay động người đọc.

Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật
Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật

Ngày 17/2, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù thuộc Hội người mù tỉnh phối hợp với Ban chấp hành Hội người mù huyện Phong Điền tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn cho 15 học viên là người mù và người khuyết tật.