Sưu tầm tư liệu Hán - Nôm tại các làng xã. Ảnh: Thư viện Tổng hợp
Chạy đua với thời gian
Triển khai kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024, trong tháng 11, Thư viện Tổng hợp tỉnh triển khai công tác sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm đợt 2 tại các xã Lộc Trì, Lộc Tiến và Lộc Thủy của huyện Phú Lộc. Do ảnh hưởng của bão lũ kéo dài, kế hoạch khảo sát, điền dã, sưu tầm, số hóa và các hoạt động lễ cáo khai mở hòm bộ sắc phong cũng bị tác động không ít. Một số làng, họ tộc từ chối không hợp tác với lý do không thể thỉnh “bộ làng” và “ngài” trong mưa gió; một số yêu cầu đoàn đến nhà thờ họ để số hóa. Trong đợt 1 tiến hành vào tháng 7, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các địa phương vẫn còn dè dặt, thận trọng trong việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người như khai mở hòm bộ sắc phong, tài liệu ở làng, họ tộc.
Dù bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng trong năm 2020, đoàn công tác sưu tầm, số hóa tư liệu Hán - Nôm của Thư viện Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm, số hóa gần 50 ngàn trang tài liệu, gồm: sắc phong, chế phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ… Đây là nỗ lực lớn của Thư viện Tổng hợp tỉnh chạy đua với thời gian để kịp thời số hóa những tư liệu Hán - Nôm quý bị hư hỏng còn lưu giữ trong Nhân dân.
Ông Phạm Xuân Phượng, chuyên gia sưu tầm, số hóa di sản Hán – Nôm cho hay, do chất liệu chủ yếu là giấy nên các loại tài liệu hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều loại tài liệu quý hiếm đứng trước thách thức lớn của sự tồn vong bởi thời gian, ý thức trách nhiệm của con người. Chẳng hạn, địa bàn thấp trũng, chiến tranh ác liệt nên rất nhiều làng, họ tộc ở thị trấn Phú Đa, xã Phú Lương của huyện Phú Vang không còn lưu giữ được văn bản, như sắc phong thần, sắc phong khai canh, khai khẩn, văn cúng Xuân tế, Thu tế, địa bạ… Nhiều tài liệu sắc phong, gia phả, văn bản đất đai, văn cúng… ở các làng thuộc xã Lộc Trì, Lộc Tiến, Lộc Thủy (Phú Lộc) bị mục nát, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ số hóa vì phải xử lý làm phẳng mất khá nhiều thời gian.
Sau 12 năm (2009 – 2020), Thư viện Tổng hợp tỉnh sưu tầm, số hóa tại 81 xã, thị trấn với 14 phủ đệ, 162 làng, đền thờ, nhà vườn, hơn 600 họ tộc và đã sưu tầm, số hóa trên 300 ngàn trang tài liệu Hán - Nôm. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 57 xã, phường, thị trấn với khoảng 150 làng chưa triển khai khảo sát, sưu tầm, số hóa.
Bảo tồn nhiều tư liệu quý
Năm 2018, trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết phải tiếp tục sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương lập đề án sưu tầm, bảo quản và phục hồi tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2020 – 2024 để bảo tồn những tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm nay. Dự kiến, sẽ thực hiện tại 100 làng, 320 họ tộc, 40 phủ đệ và tư gia, 30 cơ sở tôn giáo với khoảng 120.000 - 130.000 trang tư liệu Hán – Nôm quý, như: Sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách văn học, lịch sử, y sách, hương ước, văn cúng…
Ông Phượng cho biết, tài liệu sưu tầm, số hóa bảo đảm yêu cầu cao về nội dung, được lựa chọn, sao chụp trực tiếp từ văn bản gốc lưu trữ tại các làng, các họ tộc có niên đại từ đời Lê, các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn. Chất liệu chủ yếu là giấy long đằng – giấy sắc vàng, giấy dó, mang tính điển hình phản ánh đặc trưng các loại tài liệu Hán – Nôm đã hình thành, tồn tại trong lịch sử ngôn ngữ, chữ viết dân tộc.
Theo ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh, hiện nay, lượng tài liệu Hán - Nôm ở nhiều làng xã bị hủy hoại bởi thời tiết, thiên tai, bảo quản không đúng cách nên những người làm công tác số hóa rất sốt ruột. Vì vậy, cần triển khai kế hoạch với tộc độ nhanh hơn, quy mô địa bàn rộng hơn. Sau hơn 10 năm hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh đã quen việc, có thể tự làm các công đoạn số hóa. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thư viện chưa có cán bộ Hán - Nôm đủ tầm có thể đọc tất cả các văn bản, sắc phong mà phải nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong công tác phục hồi, đơn vị cũng chưa có đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật...
MINH HIỀN