Thứ Hai, 15/06/2020 14:00

Tập trung nguồn lực cho thiết chế văn hóa thiết yếu

Nhiều vấn đề bất cập, khó khăn của ngành văn hóa và thể thao thời gian qua đã được HĐND tỉnh đề cập tại Kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII.

Tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa để người dân hưởng thụNhiều vấn đề nóng được chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII

Các thiết chế văn hóa dù được đầu tư nhưng vẫn chưa tương xứng (trong ảnh, khách xem không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị)

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, báo cáo thẩm tra của HĐND tại kỳ họp vừa qua đã đánh giá xác đáng thực trạng hiện nay của hệ thống các thiết chế của ngành. Trong đó, đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn mà ngành gặp phải, như: hệ thống thiết chế văn hóa xuống cấp, hư hỏng; chưa có sự đầu tư xứng đáng, khó khăn trong tuyển sinh trong đào tạo văn hóa nghệ thuật, bảo tàng mỹ thuật chưa có không gian trưng bày... Nguyên nhân sâu xa, theo ông Hải, do nguồn lực đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong những năm qua chưa tương xứng, mặc dù luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Các nghị quyết của Tỉnh ủy, Quy hoạch Thiết chế văn hóa giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh thông qua đều đưa vào mục tiêu đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó có các thiết chế quan trọng, như: Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật... Tuy nhiên theo ông Hải, đến nay hầu như các thiết chế đã lạc hậu và đang xuống cấp nghiêm trọng, chưa có nguồn lực để đầu tư nâng cấp hay xây dựng.

Một cuộc họp thẩm định sưu tầm tác phẩm mỹ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật

Nói rõ hơn về Bảo tàng Mỹ thuật Huế, ông Hải cho hay, bảo tàng này được thành lập vào năm 2018, bao gồm 3 không gian trưng bày: Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị và Mỹ thuật Huế. Tổng số tác phẩm, hiện vật cả 3 không gian này là 892. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thành lập đến nay không gian trưng bày, triển lãm mỹ thuật Huế vẫn chưa có. Trước tình hình đó, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Bảo tàng Mỹ thuật Huế nghiên cứu, đề xuất các đề án, vị trí hình thành không gian trưng bày mỹ thuật Huế báo cáo UBND tỉnh.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với sở và có kết luận cụ thể; trong đó, thống nhất với UBND TP. Huế để sử dụng hợp lý trụ sở UBND TP. Huế cũ nằm đường Lê Lợi mở rộng không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng sắp xếp Bảo tàng Mỹ thuật Huế tại cung An Định để hình thành không gian công nghiệp văn hóa.

“Để thực hiện được mục tiêu trên, sở rất mong tỉnh tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu cấp tỉnh; bố trí nguồn lực để hoàn thành các dự án, đề án văn hóa trọng điểm, bổ sung các công trình đầu tư trung hạn có quy mô, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Tiếp tục bố trí nguồn lực hợp lý để sưu tầm tác phẩm mỹ thuật theo tiêu chí để kịp thời giữ lại các tác phẩm tốt nhất cho Huế”, ông Hải nói.

Trao đổi thêm về công tác tuyển sinh đào tạo tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, ông Hải cho rằng trường có bề dày và truyền thống 45 năm, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo nguồn lực văn hóa nghệ thuật cho tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Những năm gần đây, việc tuyển sinh đầu vào các chuyên ngành nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Đây là khó khăn chung của các trường, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật từ trung cấp đến đại học trong cả nước. Nguyên nhân chính xuất phát từ tính chất đặc thù trong đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Đó là ngành đào tạo về năng khiếu, có thời gian và chi phí đào tạo khá cao, lại bị ảnh hưởng và tác động rõ của cơ chế thị trường, trong khi cơ hội tìm kiếm việc làm đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp khi ra trường đang rất khó khăn...

Trước những khó khăn đó, sở đang chỉ đạo trường tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ dạy và học đạt chuẩn, đổi mới phương thức tuyển sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu xã hội. Song song, duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng công tác liên kết, liên thông trong đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết công ăn việc làm cho sinh viên, học sinh ra trường. Đặc biệt, chủ động làm việc với các đơn vị sử dụng lao động (các nhà hát, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương) để liên kết trong đào tạo, hướng tới đào tạo theo yêu cầu, đào tạo theo địa chỉ.

Liên quan đến việc bảo tồn, tu bổ nhà vườn, rường trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đại Vui – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” vừa được thông qua là rất cần thiết.

Theo ông, sau khi đánh giá, khảo sát đề án đã thực hiện giai đoạn 2015-2020 cho thấy, nhu cầu người dân trong việc bảo tồn, tu bổ hiện vẫn rất cao, nhưng vì điều kiện nên khó thực hiện. Nghị quyết này sẽ tiếp tục giúp bà con, chủ sở hữu những ngôi nhà vườn, rường có nguy cơ xuống cấp hồi sinh lại những giá trị văn hóa, lịch sử. Không chỉ nâng kinh phí bảo tồn, tu bổ, Nghị quyết còn hướng tới hỗ trợ sinh, cải tạo vườn, vay vốn kinh doanh…

Phan Thành

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mong muốn có nhiều nguồn lực đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Mong muốn có nhiều nguồn lực đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Tại buổi gặp mặt các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 sáng 15/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Những đóng góp từ các PCPNN trong thời gian qua đã hỗ trợ một phần lớn trong thực hiện các chương trình kinh tế xã hội của tỉnh.

Trụ cột là xây và giữ nguồn lực đội ngũ - Kỳ 1 “Chảy máu” nhân lực
Trụ cột là xây và giữ nguồn lực đội ngũ - Kỳ 1: “Chảy máu” nhân lực

Nguồn lực đội ngũ được xác định là trụ cột, yếu tố quyết định đến thành công cho các mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển Đại học (ĐH) Huế thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Bên cạnh thu hút nguồn nhân tài, việc giữ chân đội ngũ, tránh “chảy máu” nhân lực vẫn đang còn nhiều trăn trở.

Nguồn lực cho doanh nghiệp FDI
Nguồn lực cho doanh nghiệp FDI

Thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là bài toán lớn của Thừa Thiên Huế, nhằm tạo nên cú hích trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách cởi mở từ chính quyền, việc chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp được xem là điểm cộng trong thu hút FDI.