Mọi phế phẩm nhựa của Đông Timor sẽ được tái chế và đưa trở lại chuỗi cung ứng. Ảnh: Asiaone News

Nhà máy trị giá 40 triệu USD sẽ hoạt động với mục tiêu đảm bảo rằng không có bất kỳ sản phẩm nhựa đã qua sử dụng nào ở đất nước Đông Nam Á này sẽ trở thành rác thải. Thay vào đó, tất cả mọi phế phẩm nhựa sẽ đều được tái chế thành sản phẩm mới.

Được biết, giới chức Đông Timor đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty công nghệ Mura của Australia, trong đó cam kết sẽ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Respect”, hoạt động nhằm hỗ trợ vận hành nhà máy tái chế nhựa. Dự kiến nhà máy sẽ chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.

Trả lời báo giới, Giáo sư Thomas Maschmeyer – người đồng phát minh công nghệ tái chế cho biết: “Đây là một quốc gia nhỏ, nơi chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên và thực hiện tốt tuyên bố biến đất nước trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tái chế tất cả phế phẩm nhựa. Nhựa nếu không xử lý đúng cách sẽ cực kỳ nghiêm trọng và có hại. Song nếu biết cách loại bỏ chúng, thì đây sẽ là điều tuyệt vời”.

Tại nhiều quốc gia châu Á, nơi có các nền kinh tế và dân số phát triển nhanh chóng, cùng nhiều bờ biển rộng và thành phố đông dân cư, tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương rất dễ dàng nhận thấy. Trước tốc độ phát triển quá nhanh, các dịch vụ thu gom rác thải đã không thể bắt kịp và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Theo thống kê, hơn 8 triệu tấn phế phẩm nhựa bị đổ thẳng xuống biển mỗi năm. Các nhà phân tích so sánh, điều này tương đương với mỗi phút, một xe tải nhựa chưa qua xử lý sẽ tràn xuống biển. Trong đó, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các quốc gia xả thải nhiều nhất.

Bên cạnh tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và động vật hoang dã, nhóm APEC 21 cho biết ô nhiễm nhựa khiến du lịch của khu vực, cũng như ngành công nghiệp đánh bắt, vận chuyển tổn thất 1,3 tỷ USD/năm.

Nhằm giải quyết vấn đề này, nhà máy tái chế nhựa mới đặt tại Đông Timor sẽ sử dụng công nghệ hóa học để nhanh chóng biến rác thải nhựa thành chất lỏng hoặc khí mà không cần thêm dầu khoáng, điều mà không có bất kỳ công nghệ tái chế nào làm được trước đây. Sau quá trình này, nhựa lỏng sẽ được tái chế thành sản phẩm mới và đưa trở lại vào chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Đan Lê (Lược dịch từ Asiaone News)