Thứ Tư, 22/07/2020 21:38

Chuyện chưa kể về hành trình sưu tập những chiếc áo vua quan

Ăn dầm ở dề liên tục mấy tháng trời ở vùng biên giới, thậm chí qua tận nước bạn Lào hay hẹn giao dịch ở ranh giới hai địa phương Huế - Quảng Trị ngay thời gian cao điểm của dịch COVID-19… Hành trình sưu tập những chiếc áo của vua quan triều Nguyễn của anh Nguyễn Hữu Hoàng (TP. Huế) nghe tưởng chừng đơn giản nhưng có theo chân nhà sưu tập này mới thấm hết những gian nan, vất vả xen lẫn những câu chuyện dở khóc dở cười, đâu đó còn là cơ duyên.

Huy động mọi nguồn lực để hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước sớm nhấtChính thức thành lập Bảo tàng Gốm cổ Sông HươngTrưng bày tư liệu, hiện vật liên quan đến hoàng đế Minh MạngĐam mê đồng hồ cổBộ sưu tập cổ vật Nhật Bản quý hiếm

Nhà sưu tập cổ vật, đồ vải Nguyễn Hữu Hoàng bên chiếc áo quý được sưu tập

“Thỉnh” áo quan giữa cao điểm dịch

“Alo. Rảnh không. Cùng mình ra Phong Điền, đoạn giáp với Quảng Trị “thỉnh” chiếc áo này nhé” – nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng gọi chúng tôi một ngày giữa hè năm 2021.

Thời điểm đó, dịch COVID-19 đang cao điểm, việc đi lại giữa các tỉnh được kiểm soát một cách gắt gao. Dù lo ngại nhưng vì quá tò mò chúng tôi vẫn lên xe theo anh Hoàng.

Xe thẳng hướng ra Quảng Trị, khi đến trung tâm Phong Điền có rất nhiều trạm kiểm soát dịch đang tất bật với công việc kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phận Huế. Đoạn giáp với Quảng Trị, rất nhiều phương tiện phải đổi tài xế hoặc đứng cách nhau một khoảng nhất định để giao dịch hàng hóa.

Xe chúng tôi cũng không ngoại lệ. Mất một hồi tìm hiểu cách thức giao dịch và liên lạc thông qua điện thoại, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng hẹn người sở hữu áo quan ngay điểm giáp ranh hai địa phương.

Từ xa, thấy được anh Hoàng, chủ sở hữu của chiếc áo quan ngay lập tức đặt tiến gần, đặt lên trên mui xe một túi lớn được bao bọc cẩn thận. Thao tác nhanh gọn, chỉ mất chừng vài phút, anh Hoàng nâng niu túi đen ấy đặt lên xe. Quá trình quay đầu di chuyển về lại Huế, chúng tôi được sự đồng ý của anh Hoàng để mở túi ra để chiêm ngưỡng và khá choáng ngợp với chiếc áo quan màu cổ đồng kích cỡ to lớn hiếm thấy, còn khá nguyên vẹn.

“Chiếc áo này có duyên với mình. Bởi trước đó có nhiều người chào mình, nhưng vì nhiều lý do mình không có duyên sở hữu. Nhưng mấy bạn thấy đó, chừ chiếc áo vẫn tìm tới mình, trong một dịp đặc biệt như thế”, nhà sưu tập lão luyện trong giới cổ vật và đồ vải Nguyễn Hữu Hoàng xúc động.

Chiếc áo quan được nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng sưu tập vào thời điểm dịch COVID-19 còn rất căng thẳng

Vừa về đến nhà, chiếc áo được anh Hoàng bày biện lên trên chiếc bàn cổ sang trọng. Chiếc áo phủ tràn hết chiếc bàn cổ cho thấy khổ lớn, hiếm thấy so với những trang phục triều Nguyễn trước đó anh sưu tập và công bố.

Chiều dài chiếc áo 125cm, bề dài sải tay hơn 2m, bên trên còn được dệt cài hoa thêu “tứ linh” (long, lân, quy, phượng) và bát bửu, thủy ba…

Nhìn chiếc áo này, ngay lập tức nhiều người phỏng đoán, chiếc áo phải được may thêu để dành cho một vị quan đại thần cao 1,8m trở lên. Và với những hoa văn trên áo cho thấy khả năng vị quan ấy có phẩm hàng cao nhất trong hàng quan lại, trên nhất phẩm, hoặc có thể là phụ chính đại thần. Thậm chí, là chiếc áo được dành riêng cho một vị quan Tây.

Chiếc áo này sau đó được nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng cất giữ, bảo quản kỹ càng trước khi công bố đến công chúng vào dịp Festival Huế 2022 vừa rồi khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, bất ngờ.

Sang tận Lào để “hồi hương” áo vua

Nhắc đến chuyện “săn” áo vua của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng không thể không nhắc đến những năm tháng trai trẻ của anh khi ăn dầm ở dề nơi biên giới Việt – Lào ở tỉnh Quảng Trị, thậm chí qua tận nước bạn để theo đuổi đam mê.

Đó là những năm đầu thập niên 2000, khi đời sống gặp nhiều khó khăn, việc sưu tập không mấy ai quan tâm, để mắt tới. Có vô số chiếc áo quý được anh Hoàng may mắn sở hữu trong giai đoạn này.

Một trong những chiếc áo xếp vào hàng quý nhất được anh Hoàng sưu tầm được đó là Hoàng bào, vào năm 2007 ở mường Xà Muồi thuộc tỉnh Xalavan, Lào - cách biên giới mấy chục cây số đường rừng.

Chiếc Hoàng bào còn nguyên vẹn dài 103cm, rộng 148cm, phần gấu rộng 85cm, cổ tay 10,5cm... Áo được là bằng vải sa đoạn sắc vàng, các đường diềm được may bằng chỉ bạc.

Mặt trước và sau gần như giống nhau với những mảng thêu viên long (rồng năm móng cuộn tròn, đường kính 16cm) xen kẽ với bát bửu, các loại hoa văn, dơi (tượng trưng cho “phúc”), chữ “thọ”, phần dưới tà áo với lớp hoa văn theo kiểu “thủy ba sóng dợn”.

Bộ sưu tập những chiếc áo vua quan triều Nguyễn được anh Hoàng sở hữu 

Theo anh Hoàng, để mua được chiếc áo này, anh phải thông qua hai “chân rết”, đeo bám sau nhiều năm mới thành công.

Chủ nhân của chiếc áo này từng đổi chiếc áo từ gia đình một người Việt ở Quảng Trị bằng năm con trâu cùng một số vật dụng đủ để chia cho năm người con trai... Khi về Lào, chiếc áo này trở thành báu vật, chỉ được thỉnh ra vào các dịp quan trọng như lễ tết, cúng lúa mới… Khi đưa áo ra, phải có nghi lễ cúng thỉnh trang nghiêm.

Vì thế, khi hai “chân rết” anh Hoàng tiếp cận được, muốn xem áo cũng phải cúng heo và một số vật phẩm khác.

Theo một số chuyên gia, chiếc áo khả năng của vị vua triều Nguyễn, sau thời Tự Đức. Về sau, chiếc áo này nằm trong loạt trang phục quý được anh Hoàng nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.

Không riêng gì chiếc áo vua này, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, khu vực người dân tộc thiểu số ở Quảng Trị - giáp biên giới Lào cũng như phía bên kia đất nước Lào là nơi mà anh đã sưu tập được rất nhiều cổ vật quý hiếm. Điều khiến nhà sưu tập người Huế bất ngờ đó là phần nhiều các vật quý sưu tập được thường nằm trong các gia đình nghèo khó, nhà cửa tuềnh toàng…

Bài, ảnh: P. THÀNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có hay không luật “tứ bất lập” dưới triều Nguyễn
Có hay không luật “tứ bất lập” dưới triều Nguyễn?

Đối chiếu sử sách hiện nay với các sự việc được ghi chép rõ ràng trong sử sách thời Nguyễn, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế cho rằng, vấn đề “tam bất khả” hay “tứ bất lập” là không có cơ sở. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã phân tích và nhận định như thế trong buổi nói chuyện “Lệ tứ bất lập dưới triều Nguyễn” được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, với sự tham gia của đông đảo các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử.

Đến Lan Viên cố tích ngắm long bào vua Khải Định
Đến Lan Viên cố tích ngắm long bào vua Khải Định

Triển lãm “Áo dài xưa triều Nguyễn” thuộc bộ sưu tập của GS.TS Thái Kim Lan vừa được khai mạc sáng 6/11 tại không gian Lan Viên cố tích – Bảo tàng gốm cổ sông Hương (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế).

Hai cổ vật quý nhà Nguyễn lên sàn đấu giá Pháp
Hai cổ vật quý nhà Nguyễn lên sàn đấu giá Pháp

Bảo vật nhà Nguyễn là chiếc ấn vàng được đúc vào năm 1823 dưới thời triều vua Minh Mạng (1820 - 1841) đang được một hãng đấu giá có trụ sở chính tại Pháp chuẩn bị đưa ra đấu giá. Thông tin này làm không chỉ giới văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỏ ra bất ngờ mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận bởi lẽ đây là vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam.