Thứ Bảy, 24/05/2014 08:17

Làm phim chốn học đường

Những bộ phim ngắn, ý nghĩa là nơi các bạn trẻ truyền tải thông điệp, thể hiện cá tính, tư duy hay nhìn nhận về cuộc sống theo cách riêng của mình.

Một cảnh quay trong phim “Báo & Đời”

Từ tự phát đến phong trào

Đam mê với những thước quay, những khung hình, nhóm của Nguyễn Tiến Huy cựu sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông và Đoàn Thị Khánh Huyền, sinh viên k37A Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Huế là hai nhóm bạn trẻ khá “nổi” trong trường vì những bộ phim đã làm. Nếu bộ phim “Báo & Đời” của nhóm Nguyễn Tiến Huy lấy ý tưởng kịch bản bắt nguồn từ chính ngành mà các bạn theo học, nội dung xoay quanh những khó khăn của phóng viên trẻ khi dấn thân viết về tệ nạn xã hội thì “Nợ bạn một cái tên” và “Chọn lựa” của nhóm Đoàn Thị Khánh Huyền là những mối tình học trò bảng lảng, thơ ngây. Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, vì muốn giữ kỷ niệm thời sinh viên gắn với những người bạn thân thiết, cùng chơi, cùng học, cùng làm việc, anh và bạn bè đã bắt tay cùng thực hiện bộ phim.

Làm phim trong giới trẻ không chỉ là hoạt động tự phát của một vài nhóm nhỏ mà còn là phong trào được phát động ở một số trường. Cuộc thi làm phim “Quốc Học trong tôi” là một hoạt động thường niên, thu hút đông đảo học sinh tham gia cũng như tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi mùa thi làm phim đi qua, những câu chuyện để lại khiến thầy, cô và phụ huynh ngạc nhiên về sự thể hiện độc đáo, nội dung mới lạ, sâu sắc, tình cảm chân thành đối với trường lớp, thầy cô và bạn bè của học sinh. Cô giáo Lê Thị Phương Hà, Phó Bí thư Đoàn trường Quốc Học chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi tham gia tổ chức và chấm phim dự thi “Quốc Học trong tôi”. Mỗi bộ phim lại mang đến cho tôi những trải nghiệm mới mẻ; tôi vỡ ra nhiều điều từ những thông điệp nhân văn, những tình cảm yêu thương mà các em dành cho trường; khiến tôi trầm trồ vì góc quay đẹp và diễn xuất tự nhiên của các em”.

Ngoài viết kịch bản, đóng phim, nhóm bạn trẻ lớp Báo chí K36B còn tự tay dựng phim, lồng tiếng

Dấu ấn để lại

Ngoài giúp lưu giữ kỷ niệm học đường trong sáng, những bộ phim còn là cách các bạn trẻ để lại dấu ấn riêng của mình. Năm thứ tư đại học, khi có môn “Quy trình sản xuất báo Truyền hình”, giảng viên cho bài tập thực hiện một chương trình truyền hình tự chọn, nhóm bạn Nguyễn Tiến Huy mạnh dạn đưa bộ phim mình làm trình chiếu trước lớp và nhận được điểm 10 đắt giá từ người giáo viên khó tính của mình. Huy tủm tỉm cười: “Nhóm mình nhận được điểm 10 duy nhất và gần như toàn lời khen từ cô. Cô khen nhóm biết chọn góc quay đẹp, kịch bản, diễn xuất tốt. Đặc biệt, cô dành nhiều lời khen vào phần thể hiện, bọn mình truyền tải dưới hình thức phim, không có lời thoại, chỉ có tiếng động và âm nhạc. Lời khen từ cô giáo khó tính là sự khích lệ tinh thần to lớn, mình mang trong lòng niềm hân hoan suốt cả buổi học”.

Nhóm của Đoàn Thị Khánh Huyền nhận được sự quan tâm trên trang trực tuyến Youtube. Bộ phim đầu tay “Nợ bạn một cái tên” thu hút 22 nghìn lượt xem, bộ phim thứ hai “Chọn lựa” sau một tháng đăng tải vượt mốc 90 nghìn lượt xem. Bên dưới là những bình luận, khen có, chê có và Huyền cùng các bạn trong nhóm xem đó là những phản hồi quý giá để rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho những bộ phim sau. Việc làm phim không chỉ thỏa mãn niềm đam mê mà còn giúp cho hai bạn Huy và Huyền học hỏi được nhiều kỹ năng thực tế, phục vụ cho ngành học của mình.

Nói về trào lưu làm phim của các bạn trẻ hiện nay, Đạo diễn phim tài liệu Phạm Hữu Thu – Chi hội trưởng Điện ảnh Việt Nam tại Huế nhận xét: “Nếu làm phim để thỏa mãn đam mê thì trong điều kiện hiện nay, nếu có năng khiếu tôi tin giới trẻ đều làm được. Nhưng để có bộ phim phát hành ra rạp hay phát sóng trên truyền hình theo tôi là khó, vì nó đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng hình ảnh và âm thanh cũng như nội dung câu chuyện. Mặc dù vậy, tôi đề cao chủ đề ý tưởng của các nhóm làm phim trẻ, các em thể hiện bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bất chấp những trở ngại (như thiếu thiết bị), (kinh phí, thời gian) nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nói cách khác, các em đã tự tạo sân chơi của riêng mình”.

 Ngoài việc làm phim để theo đuổi đam mê, nhiều nhóm không ngại thử sức gửi sản phẩm tham dự các cuộc thi và gặt hái được thành công. Đơn cử như phim “Sự giải trí nguy hiểm” của nhóm học sinh Nguyễn Ngọc Trường, Võ Văn Phú và Nguyễn Đỗ Thanh Tùng trường THPT Nguyễn Huệ đoạt giải kỹ thuật khi tham gia “Liên hoan phim trẻ quốc tế” ở Nhật Bản năm 2013. Bộ phim gửi đến người xem thông điệp gia đình và xã hội cần có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn phim bạo lực đối với trẻ em, tạo điều kiện giúp các em tham gia giải trí lành mạnh.

Và những bộ phim ấy đã giúp các bạn lưu giữ lại kỷ niệm thời đi học trong trẻo và nhiều mê say.

Bài: PHƯỚC LY - Ảnh: NGUYỄN TIẾN HUY

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát sóng rộng rãi bộ phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển”
Phát sóng rộng rãi bộ phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển”

Từ ngày 1/12 tới, bộ phim tài liệu “Việt Nam-Tổ quốc nhìn từ biển” do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân sản xuất sẽ chính thức phát sóng rộng rãi trên hầu hết các kênh, đài truyền hình trong cả nước. Bộ phim được công chiếu vào đúng dịp 40 năm ra đời Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc và 10 năm Luật Biển Việt Nam.

Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường
Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường

Nhiều năm qua, TX. Hương Thủy được biết đến địa phương đi đầu của tỉnh trong triển khai một số mô hình, như: “Văn hóa giao thông văn minh, thân thiện và an toàn” trước các cổng trường, “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con”, “Cổng trường xanh, sạch, sáng, an toàn về an ninh, trật tự”…