Thứ Sáu, 06/01/2017 08:56

Ngọt bùi cháo tà lục tà lào

“Lần ni lên A Lưới để anh mời o món cháo tà lục tà lào ăn thử coi món ăn của người vùng cao có hút hồn người Kinh không nghe?”. Lời mời của chồng bạn vừa thân thiện, vừa thách đố, khiến tôi thấy tò mò.

Canh sắn nấu thịt, cá gác bếp - món ngon vùng caoRau rừng &cá suốiA quát & món ngon từ nếp

Mỗi lần lên thăm, lại được vợ chồng bạn đãi một món ăn khác nhau, nhưng thú thật đã hơn một lần tôi không thể ăn được đặc sản vùng cao nên cái tên tà lục tà lào nói theo tiếng bản địa cũng khiến tôi thấy thiếu tự tin. Biết tôi còn phân vân, bạn giải thích thêm, món cháo này cần nhiều nguyên liệu nên mới có cái tên lạ vậy, nhưng toàn những rau quả quen nên dễ ăn.

Nguyên liệu nấu cháo tà lục tà lào

Để cháo có độ sánh, ngoài gạo người bản còn dùng thêm sắn; cá suối một nắng hoặc gác bếp là nguyên liệu chính tạo đặc trưng riêng cho món ăn vùng, miền; thịt ba chỉ cần có để tăng vị ngọt; củ kiệu, măng (khô hoặc tươi đều được) để khử mùi tanh của cá; còn lại thì tùy vào sở thích, lòng mến khách người chế biến tăng giảm các loại nguyên liệu, như: nấm, môn, đọt bí, đọt bầu, quả bí đỏ, bí xanh...

Trong lúc anh Chinh đi chợ, Ngoan lấy cá dự trữ sẵn ra cùng tôi sơ chế. Bạn cho biết, thực ra thì cá gì cũng được miễn là cá suối, nhưng người dân A Lưới thường trữ cá xanh để nấu món ăn này nên hôm nào ra chợ thấy cá xanh nhiều là bạn mua về, trời nắng to mới phơi còn đa số là sấy trên giàn bếp. Không khó để tách phần xương cá, lấy phần thịt um thấm trước với những gia vị có sẵn trong nhà bếp. Vừa nấu cháo, anh Chinh giải thích, môn thì phải chọn đúng môn mùng, gạo nấu cháo phải là gạo ra dư của A Lưới thì mới tạo được đặc trưng riêng. Các loại nguyên liệu khác có càng nhiều càng đậm đà, nên khách càng quý chủ nhà càng phải tìm nhiều nguyên liệu cho nồi cháo.

Tôi hỏi nhỏ bạn: “Chồng bà là người dân tộc Tà Ôi, tôi mới được thưởng thức món này. Vậy người khác lên đây thì làm sao để được ăn món cháo tà lục tà lào?”. Ngoan trả lời rất nhanh: “Muốn ăn phải đặt trước, nếu chủ nhà hàng là người Kinh thì phải mời đầu bếp người vùng bản ra chế biến!”.

Câu chuyện kết thúc cũng là lúc món cháo hoàn thiện. Nói là cháo, nhưng vì nấu đặc sánh nên không dùng tô hay bát, anh Chinh vừa múc cháo vào những chiếc mẹt bên trên lót lá chuối đã hơ sẵn để có độ dai, tránh bị rách khi ăn, anh vừa giải thích: “Phong tục ngàn đời rồi, bày cháo theo cách này mới thể hiện đúng món ăn của vùng miền”.

Món cháo tà lục tà lào hôm đó vợ chồng bạn đãi tôi có khá nhiều nguyên liệu. Gạo vừa sôi thì cho sắn, cá và thịt ba chỉ vào ninh kỹ nên tất cả hòa quyện, thêm bí đỏ tạo thành màu vàng nhạt rất bắt mắt. Anh Chinh lại cố ý trang trí đẹp mắt như để tạo thêm sự hấp dẫn nên cảm giác lo lắng như lần đầu ăn cà lèng không còn nữa. Thế rồi, tôi cũng không khỏi trầm trồ sau khi đã đưa vài thìa cháo vào miệng và ngậm khá lâu để cảm nhận được hương vị của món ăn.

Tất cả những nguyên liệu tôi được chứng kiến rất quen thuộc, dễ mua thế mà người đàn ông người Tà Ôi này vẫn chế biến ra được hương vị độc đáo cho món cháo tà lục tà lào. Mùi tanh được khử hoàn toàn nên mùi thơm của cá nướng vẫn tạo được nét chủ đạo; vị ngọt của cá, thịt ba chỉ thấm đậm vào các nguyên liệu khác: gạo ra dư, sắn, các loại rau thì tạo nên vị ngọt bùi hòa cùng vị đắng nhẹ của măng, kiệu khiến người thưởng thức càng ăn càng ghiền.

Trên đường về nhà hôm đó, món ăn vùng cao cứ theo tôi suốt chặng đường. Thu hút tôi không phải sự hấp dẫn của hương vị lạ mà còn là tình cảm nồng ấm thể hiện lòng mến khách của vợ chồng bạn.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre
Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre

Một chiều mùa đông, ngồi giữa bản làng bảng lảng mù sương, chậm rãi thưởng thức hương vị cá nướng ống tre thơm lừng, nghe gió reo vi vút từ dãy Trường Sơn đưa lại, thấy cái lạnh tái tê chốn núi rừng bỗng trở nên ngọt lành như món ăn dân dã của người miền cao.

Bữa quà chiều với bánh ram ít
Bữa quà chiều với bánh ram ít

Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn
Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn

Bãi thuyền ở đầm Chuồn, nắng chiều nhuộm vàng cả một góc đầm phá, “Những ngày thu này đẹp quá. Ôi, sao nghe lòng mang mang thế này!”, người bạn nói như la lên với không trung khoáng đạt. Cả nhóm cười vang mặc cho gió làm tóc rối tung. Chớp nhanh vài cái ảnh rồi tất cả lên thuyền của “anh Dũng đầm Chuồn hội quán” để “đi một vòng rồi về thưởng thức ẩm thực đầm Chuồn” - như lời “thổ địa” của chuyến đi thông báo.

Cơm Hến
Cơm Hến

Trước đây, tôi không thích ăn cơm hến. Bởi không thích nên trong cuốn sách viết về ẩm thực bình dân xứ Huế của tôi “Về Huế ăn cơm” cũng có một tản văn nói về món hến, nhưng mà là hến phay hay canh hến nấu với bầu, với rau chứ không phải cơm hến... Tất nhiên, phải khẳng định đó là những món ngon từ sông Ô Lâu, phá Tam Giang quê tôi. Bây giờ thì tôi đã thấy mình đã thiếu sót khi không đề cập chi đến món cơm hến.