Năm 2024 là năm tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường: Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 còn tác động kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn; xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm; lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định… Ở trong nước, sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế… Qua đó cho thấy, khó khăn còn rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều yếu tố để chúng ta kỳ vọng về sự tăng trưởng của kinh tế đất nước trong năm 2024; trong đó sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển, cùng với quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ chính là những yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt.
|
|
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương
Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5%. Trong điều kiện những dự báo về năm 2024 như trên đã đề cập thì để đạt được những mục tiêu đó cần những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải dốc toàn lực thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Mới đây, ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Sáu quan điểm, mục tiêu điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nhấn mạnh tại nghị quyết này. Trong đó, Chính phủ xác định, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, còn thúc đẩy tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu.
Trong những dự báo về nền kinh tế Việt Nam năm 2024, nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài đều xác định, Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng họ vẫn kỳ vọng về sự tăng trưởng do những yếu tố chủ quan đáng tin cậy. Báo cáo Vietnam At A Glance tháng 1 - báo cáo đầu tiên của Ngân hàng HSBC trong năm mới 2024, cho rằng: Năm Quý Mão “không phải một năm dễ dàng” đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực để từ đó kỳ vọng 2024 nhiều khả năng sẽ là năm Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ muôn trùng thách thức. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam ổn định. Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết, chính sách tài chính và tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế và nhờ vậy, tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt 6,3% và 7% vào năm 2025.
Tương tự, Báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam của Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt mức 6,7%. Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hướng ưu tiên vào giảm lượng khí thải carbon. Còn tại báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%.
Trong khi đó các chuyên gia trong nước cho rằng, để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, một mặt cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; mặt khác chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác và có các chính sách, giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới liên quan đến phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng…
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, năm 2024 sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023, thương mại hàng hóa quốc tế vẫn sẽ tăng trưởng. Cam kết FDI được dự đoán tăng, tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo; đây cũng là một yếu tố tích cực của nền kinh tế. Mặt khác, nhìn lại những tháng cuối năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt... Đây là những chỉ số cơ bản cho thấy nền kinh tế nước ta phục hồi vững chắc, kinh tế vĩ mô từng bước lấy lại thế bình ổn, và đó cũng là những tiền đề tốt để kinh tế năm 2024 phát triển như kỳ vọng.
Mới đây, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức (15/1/2024), Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” nhấn mạnh, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.